NHỮNG ĐỘT PHÁ MỚI TỪ QUY HOẠCH TÍCH HỢP ĐÔ THỊ BIỂN

Theo định hướng dài hạn tương lai, Khánh Hòa sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á; là đô thị du lịch biển thu hút khách và có môi trường đáng sống, với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Hiện nay, việc điều chỉnh quy hoạch chung các tỉnh thành theo tư duy khoa học tích hợp, và đa ngành của Luật Quy hoạch được Quốc hội phê duyệt năm 2017, tuy gặp nhiều khó khăn do lượng thông tin cần xử lý quá lớn, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho các giải pháp quy hoạch mới mang tính đột phá, không những giúp giải quyết nhiều vấn đề bế tắc nhiều thập niên, mà còn mở ra nhiều hướng phát triển mới có tiềm năng cao cho các đô thị biển, trong đó có tỉnh Khánh Hòa.

Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện bởi Tư vấn trưởng là Tập đoàn McKinsey (Mỹ) và TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn trong vai trò Cố vấn trưởng Quy hoạch tỉnh. Các chuyên gia McKinsey và TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn cùng cố vấn cho hai dự án quy hoạch thành phần thực hiện đồng thời, là Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, (Tư vấn trưởng:BCG & VIUP) và Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040 (Tư vấn trưởng: VIUP).

Các quy hoạch này của tỉnh Khánh Hòa đã đóng góp nhiều giải pháp đột phá không chỉ về mặt quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch kinh tế xã hội, mà cả trong công tác chuẩn bị nhiều mặt cho các kế hoạch thực hiện quy hoạch trong tương lai. Đây là những kinh nghiệm có thể mang nhiều ý nghĩa chiến lược có thể tham khảo và áp dụng cho nhiều đô thị biển khác trên cả nước.

Bài viết tập trung vào ba trong số các hướng đột phá mới trong điều chỉnh quy hoạch chung tỉnh Khánh Hòa tại ba vùng trọng điểm: Khu kinh tế Vịnh Vân Phong phía Bắc tập trung cho phát triển đô thị cảng biển, công nghiệp và đô thị du lịch biển; Khu vực TP Nha Trang và Nam Ninh Hòa tập trung cho phát triển đô thị trung tâm đa chức năng; khu vực Cam Ranh – Cam Lâm tập trung cho phát triển đô thị cảng biển và đô thị sân bay.

Những định hướng đột phá mới về quy hoạch

Vịnh Vân Phong – Đô thị Công nghiệp Cảng biển và Đô thị Du lịch

Thành phố Nha Trang

Từ 1992, Vịnh Vân Phong đã được định hướng quy hoạch tương lai thành một khu kinh tế biển quan trọng hàng đầu của khu vực. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư chiến lược tầm cỡ đầu tư lớn vào Vân Phong. Thị trường vẫn chưa phát tín hiệu ủng hộ do nhiều khó khăn chủ quan và khách quan như:

  • Thứ nhất, Vịnh Vân Phong đáy nước sâu, kín gió, có vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế (CTCQT). Tuy việc xây dựng cảng lớn cần đồng bộ với phát triển khu công nghiệp, nhưng do dải đất miền Trung này hẹp, với quá nửa diện tích là đồi núi, nên thiếu quỹ đất phát triển những khu công nghiệp quy mô lớn cung ứng hàng hóa cho cảng.
  • Thứ hai, là nhu cầu thực của các hãng tàu quốc tế. Dữ liệu nghiên cứu của đơn vị tư vấn cho thấy tuy Vân Phong có tiềm năng, nhưng có lẽ khó có thể biết thời điểm nào khả thi về mặt kinh tế. Cụm cảng ở đảo Hải Nam, Thâm Quyến và đặc biệt là Singapore vẫn là những CTCQT mà các hãng tàu vận tải quốc tế đang ưu tiên. Nếu kênh đào Kra cắt ngang Thái Lan được xây dựng, nối tắt Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, khiến vị thế cảng Singapore suy yếu, thì Vân Phong mới có thêm cơ hội. Tuy nhiên, đề xuất này hiện vẫn chưa khởi động, dù đã được thảo luận trên 300 năm.
  • Thứ ba, Vịnh Vân Phong còn có giá trị cảnh quan phù hợp phát triển du lịch sạch tiêu chuẩn 5 sao, nhưng lại đòi hỏi môi trường sạch, nên xung đột với hướng phát triển cảng biển và khu công nghiệp phát thải ô nhiễm. Do đó, khó thu hút đầu tư dự án du lịch lớn, nếu không làm rõ phân vùng chất lượng môi trường.

Do đó, điểm nhấn đột phá về quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong, là đưa bảo vệ môi trường lên ưu tiên hàng đầu, không còn quy hoạch xen kẽ khu vực gây phát thải ô nhiễm với khu đô thị du lịch biển như cách làm cũ, mà đã tách rời phân khu làm du lịch cao cấp – vùng xanh với yêu cầu sạch hoàn toàn, và phân khu cảng biển và công nghiệp – vùng nâu, được kiểm soát sao cho ô nhiễm thấp hơn ngưỡng cho phép.

Bắc Vân Phong quy hoạch là vùng xanh, để phát triển đô thị sinh thái, du lịch sinh thái chất lượng cao, trong khi vẫn dự trữ quỹ đất để xây dựng CTTQT khi điều kiện thích hợp. Chúng ta không từ bỏ ý tưởng phát triển CTCQT, nhưng cũng không thể thụ động ngồi chờ như trước kia, bỏ qua các lợi ích kinh tế xã hội khác của việc phát triển đô thị và du lịch.

Nam Vân Phong được là vùng nâu, có kiểm soát chặt chất lượng môi trường nằm trong giới hạn cho phép. Ngoài phát triển công nghiệp, khu vực còn xây dựng cảng hàng hóa, kết hợp dịch vụ trung chuyển quy mô nhỏ hơn, đồng thời phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với khu vực Tây Nguyên và khu vực lân cận. Quá trình phát triển Nam Vân Phong cũng là cơ hội để thăm dò nhu cầu thị trường. Khi Nam Vân Phong quá tải, xây CTTQT ở Bắc Vân Phong cũng chưa muộn.

Về kết nối hàng không, quãng đường hơn 100km từ Sân bay Cam Ranh đi Vân Phong quá xa. Thay vì xây dựng một hệ thống đường sắt cao tốc nối liền Cam Ranh và Vân Phong theo công nghệ tiên tiến hyperloop như đề xuất ban đầu, Vân Phong sẽ xây dựng một sân bay nhỏ charter phục vụ du lịch. Đồng thời, việc hợp tác nâng cấp sân bay Tuy Hòa và kết nối chiến lược với Phú Yên, sẽ đem lại lợi ích chung cho cả hai tỉnh.

Thành phố Nha Trang – Đô thị biển Trung tâm Vùng theo hướng TOD

Thời gian qua, tuy TP Nha Trang phát triển nóng, nhưng chủ yếu tập trung nhà cao tầng trên tuyến ven biển, hình thành “bức tường cao ốc”, trong khi các khu vực phía sau khó phát triển do giao thông kém, và mất lợi thế tầm nhìn biển và gió biển.

Quy hoạch Hệ thống đô thị & hạ tầng giao thông kết nối vùng và với khu vực của tỉnh Khánh Hòa

Vì vậy, đồ án quy hoạch mới đã đưa ra nhiều giải pháp đột phá mới để giải quyết nhu cầu quỹ đất mới cho phát triển tương lai theo hướng bền vững hơn:

  • Thứ nhất, hạn chế việc xây dựng tiếp bức tường cao ốc dọc đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng, và quy hoạch lại không gian đô thị ven biển theo hướng tăng giá trị động lực phát triển cho các khu vực sâu hơn trong đất liền, đảm bảo nhận được gió biển và tầm nhìn thoáng ra biển.
  • Thứ hai, khuyến khích phát triển các quỹ đất mới phù hợp cho việc tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng các phức hợp cao ốc đa chức năng theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng TOD (Transit Oriented Development), đặc biệt là phát triển hai trục đô thị mới thẳng góc với bờ biển.

Đầu tiên, là phát triển khu vực hai bên sông Cái với không gian sinh hoạt đô thị sông nước sầm uất, trong khi các công trình cao tầng hai bên vừa giúp dẫn gió vào sâu, vừa hưởng được tầm nhìn thoáng ra biển. Đây sẽ là một khu vực hấp dẫn thu hút đầu tư phát triển không kém gì sông Hàn ở Đà Nẵng.

Đặc biệt, là tuyến đô thị mới hai bên đường Võ Nguyên Giáp với lộ giới toàn tuyến 60m, được chỉnh trang lại để nối thẳng trực tiếp vào khu sân bay Nha Trang cũ, nơi sẽ được chuyển thành khu trung tâm mới hiện đại nhất, cao tầng nhất của TP Nha Trang, để làm tăng giá trị hấp dẫn đầu tư cho toàn tuyến, nâng tầm thành trục đường huyết mạch quan trọng nhất theo hướng Đông – Tây của TP Nha Trang trong tương lai.

Hệ thống giao thông công cộng (GTCC), bus nhanh hoặc metro, với lề đường rộng hai bên ở khu vực trung tâm, hoặc thêm đường song hành hai bên ở khu ngoại vi, kết nối khu trung tâm đô thị mới với ga đường sắt mới, bến xe trung tâm mới, để ra quốc lộ Bắc – Nam và cao tốc Bắc – Nam, liên kết với toàn miền Trung và cao nguyên.

Việc phát triển tuyến đô thị hai bên đường Võ Nguyên Giáp có thể tạo quỹ đất phát triển lớn ở 2 bên đường, với diện tích khoảng 4.416ha (27.600 m x 1600m, trong đó 27.600 m là chiều dài đoạn đường QL27C – Võ Nguyên Giáp đi từ TP Nha Trang qua Diên Khánh, và 800m mỗi bên đường là khoảng cách 10 phút đi bộ từ trục GTCC). Nguồn thu từ quỹ đất lớn này thừa sức tạo thêm ngân sách để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội hiện đại cho cả khu vực, mà không phụ thuộc nhiều vào ngân sách công. Ngoài ra, nếu phối hợp tốt với việc xây dựng các cơ sở việc làm và tiện ích xã hội trong bán kính đi bộ 2 bên tuyến, khu đô thị mới hai bên đường Võ Nguyên Giáp – Cao Bá Quát có thể dung nạp thêm hàng trăm ngàn cư dân sống và làm việc mà không cần xe cá nhân trong tương lai.

Quy hoạch Phân vùng Môi trường sử dụng đất – Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050

Đô thị Sân bay Cam Ranh – Cam Lâm gắn với đô thị du lịch biển

Quy hoạch đô thị sân bay (aerotropolis) là xu hướng phát triển mới trong thế kỷ 21. Trong đó, sân bay và đô thị xung quanh được quy hoạch đồng thời, theo hướng hài hòa và bổ sung cho nhau. Sân bay không còn là điểm giao thông trung chuyển, mà kết hợp với khu đô thị xung quanh như là điểm đến đa chức năng hấp dẫn (có thể tham khảo các kinh nghiệm quốc tế về phát triển đô thị sân bay tại Amsterdam, Singapore, Doha,…).

Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có đô thị sân bay bài bản, do quy hoạch sân bay và quy hoạch đô thị tại các tỉnh/thành vẫn còn đang được thực hiện tách riêng. Cụ thể, cơ quan giao thông vận tải nhận trách nhiệm chính trong việc phê duyệt quy hoạch nằm trong ranh giới các sân bay, chứ không quan tâm nhiều đến quy hoạch đô thị xung quanh sân bay. Ngược lại, việc quy hoạch đô thị xung quanh các sân bay được chuyển về địa phương thực hiện, để sau đó thụ động kết nối với sân bay dựa theo “hiện trạng” quy hoạch sân bay đã được phê duyệt. Đây là cách làm quy hoạch không những lạc hậu, mà còn tác hại lớn về lâu dài. Điển hình là trường hợp sân bay Tân Sơn Nhất nay khó mở rộng và thường xuyên bị kẹt xe, ngập nước, từ tác động của phát triển đô thị tự phát xung quanh do thiếu tầm nhìn quy hoạch.

Cam Ranh và Cam Lâm có thể được phát triển thành đô thị sân bay đầu tiên tại Việt Nam, trong đó:

  • Để duy trì vị thế sân bay cửa ngõ quốc gia và quốc tế về lâu dài, sân bay Cam Ranh dự trữ quỹ đất để hình thành hai đường băng cất hạ cánh độc lập;
  • Quy hoạch sân bay và quy hoạch các khu đa chức năng và đô thị gắn kết xung quanh trong bán kính 10km, bao gồm sân bay và một phần Cam Ranh, Cam Lâm, được nghiên cứu và xem xét cùng một lúc, trong mối tương quan hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau;
  • Quy hoạch hệ thống giao thông kết nối với đường vành đai sân bay, sẽ giúp phát triển logistic hàng không và kết nối hài hòa đô thị với sân bay;
  • Quy hoạch khu đô thị xung quanh sân bay đi đôi với các giải pháp chống ồn, chống ô nhiễm khi đường bay cất, hạ cánh, và các quy định về thiết kế công trình liên quan để không ảnh hưởng đến hoạt động hàng không (như việc quy hoạch chiều cao và mật độ phù hợp, hoặc việc chống lóa sáng từ công trình);
  • Ngược lại, quy hoạch sân bay mở rộng cũng được dự trù trước để không gây tác động xấu về môi trường đến các khu vực đô thị xung quanh, như ngập nước, kẹt xe, tiếng ồn, …;
  • Việc sớm quy hoạch đô thị sân bay là yếu tố đột phá rất quan trọng để bảo vệ quỹ đất dự trữ cần thiết cho phát triển tương lai, tránh lập lại sai lầm của Tân Sơn Nhất, trong bối cảnh nhiều công trình du lịch xung quanh đang được xây dựng theo hướng ép sát sân bay.
Tiềm năng chỉnh trang và phát triển các tuyến đô thị theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng TOD (Transit Oriented Development) nối vào Khu Trung tâm đô thị mới CBD (Central Business District) trong Điều chỉnh Quy hoạch Chung Tp Nha Trang dến 2040

Kết luận

Việc quy hoạch tình Khánh Hòa theo hướng tích hợp đa ngành đã đem lại nhiều kinh nghiệm có thể tham khảo và nhân rộng cho các đô thị biển khác nói riêng, và cho các tỉnh thành khác nói chung. Cụ thể như sau:

  • Công tác quy hoạch tích hợp đa ngành tạo điều kiện tích cực tham gia của các sở, ban ngành, và các đơn vị, với sự hỗ trợ của Cố vấn Trưởng trong việc, góp ý, phản biện, và đề xuất,… cùng đơn vị tư vấn rất sớm ngay từ đầu, chứ không còn theo cách làm cũ, là chỉ phản biện sâu sau khi tư vấn hoàn thành báo cáo giữa và cuối kỳ. Có thể nói, với cách làm mới này, các đơn vị địa phương cũng trở thành “đồng tác giả” của bàn quy hoạch, vì những đóng góp rất thiết thực trong suốt quá trình nghiên cứu quy hoạch;
  • Việc phân tích tổng hợp và đánh giá hiện trạng, cũng như đánh giá các quy hoạch và chủ trương đã được phê duyệt,… được dành khá nhiều thởi gian để phân tích sâu các vấn đề tồn tại và tiềm năng tương lai, trước khi đề xuất giải pháp theo tinh thần khoa học, nên mang tính khả thi rất cao trong việc hiện thực hóa quy hoạch về sau, trong đó có những đề xuất mới mang tình đột phá;
  • Kế hoạch thực hiện quy hoạch cũng được bắt đầu triển khai sớm, chứ không chờ đến sau khi quy hoạch được phê duyệt mới làm, nhờ đó, nhiều định hướng mới mang tính đột phá nói trên đã sớm thu hút rất nhiều nhà đầu tư hàng đầu quốc gia và quốc tế đến xin hợp tác đầu tư phát triển;
  • Qua công tác hợp tác quy hoạch tích hợp này, nhiều nhân tài của các sở ngành có cơ hội bộc lộ tài năng, được đề bạt vào hệ thống nhân sự chủ chốt cần thiết cho công tác hiện thực hóa quy hoạch trong giai đoạn tới, bao gồm việc khai triển quy hoạch phân khu, chuẩn bị các đề án và thủ tục xúc tiến thu hút đầu tư, xây dựng và quản lý dự án …

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn 
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2022)


.